Chiều 24/3, Hội thảo khoa học chuyên đề "Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị động kinh" đã diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Võ Hồng Khôi - Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, Hội thảo đã cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán, thảo luận thách thức điều trị và đưa ra khuyến cáo cá thể hóa cho từng nhóm bệnh nhân nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát cơn động kinh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Động kinh không phải là dấu chấm hết
Trong phần phát biểu khai mạc, PGS.TS. Võ Hồng Khôi nhấn mạnh: "Với 50 triệu bệnh nhân động kinh toàn cầu, trong đó 80% sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình, việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng là chìa khóa giúp 70% bệnh nhân kiểm soát được cơn. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc động kinh là 330-380/100.000 dân. Điều này đòi hỏi sự phối hợp đa ngành để giảm gánh nặng bệnh tật."
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO, 2023), hiện nay, trên toàn cầu có 50 triệu người mắc động kinh. Trong số đó, 75% người bệnh ở các nước nghèo không được tối ưu hoá trong chẩn đoán và điều trị. Còn tại Việt Nam, theo thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai khoảng 400.000 bệnh nhân, trong đó 30% kháng thuốc. Thách thức lớn nhất trong điều trị hiện nay là vấn đề tương tác thuốc. 40% bệnh nhân dùng đa trị liệu gặp tương tác giữa thuốc chống động kinh (AED) và thuốc điều trị bệnh mạn tính. Bên cạnh đó, vấn đề tuân thủ điều trị cũng là mối quan ngại lớn. Khoảng 50% bệnh nhân tự ý ngừng thuốc do tác dụng phụ hoặc chi phí. Rồi các vấn đề liên quan đến bệnh đồng mắc, 60% người cao tuổi động kinh có kèm bệnh tim mạch, đái tháo đường, loãng xương.
Một câu hỏi lớn đặt ra với bác sĩ cũng như những người bệnh, người nhà người bệnh là “Có nên dùng thuốc sau cơn co giật đầu tiên?” PGS.TS. Võ Hồng Khôi chia sẻ: Theo nghiên cứu MESS, điều trị AED ngay sau cơn đầu tiên giảm 50% nguy cơ tái phát trong 2 năm. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng khi bệnh nhân có nguy cơ cao: Điện não đồ (EEG) bất thường, tổn thương não trên MRI, hoặc hội chứng động kinh xác định.
PGS.TS. Võ Hồng Khôi nhấn mạnh: Động kinh là bệnh mãn tính nhưng có thể kiểm soát.
Bác sĩ nhấn mạnh ba nhóm người bệnh cần lưu ý đặc biệt khi điều trị:
Thứ nhất là các phụ nữ mang thai cần tránh Valproate: Nguy cơ dị tật ống thần kinh cao gấp 4 lần (EURAP, 2023). Với nhóm này, bác sĩ Khôi khuyến nghị: Ưu tiên dùng Lamotrigine/Levetiracetam vì an toàn cho thai nhi, kết hợp bổ sung acid folic 5mg/ngày.
Thứ hai là nhóm người cao tuổi cần tránh sử dụng Phenytoin/Carbamazepine vì nó có nguy cơ gây loãng xương, rối loạn nhịp tim. Với nhóm người cao tuổi, lựa chọn hàng đầu là Lamotrigine, Levetiracetam (ít tác dụng phụ).
Thứ ba là nhóm bệnh nhân có bệnh đồng mắc như béo phì: Dùng Topiramate/Zonisamide (giảm cân); Trầm cảm: Lamotrigine (cải thiện tâm trạng); Suy gan: Ưu tiên Gabapentin/Levetiracetam (không chuyển hóa qua gan).
Bác sĩ Khôi nhắn nhủ tới các tham dự viên của hội thảo: Chẩn đoán chính xác là nền tảng của điều trị hiệu quả. Phân loại cơn động kinh theo ILAE 2017 được nhấn mạnh, giúp xác định chính xác loại cơn (cục bộ, toàn thể, không phân loại) và hội chứng động kinh. Điện não đồ (EEG) và MRI não là công cụ không thể thiếu để phát hiện bất thường cấu trúc hoặc điện sinh lý, đặc biệt ở bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao. Tiêu chuẩn chẩn đoán động kinh cập nhật là ít nhất phải có 2 cơn không do yếu tố khởi phát cách nhau >24 giờ, hoặc 1 cơn kèm nguy cơ tái phát ≥60% trong 10 năm.
Xu hướng sử dụng thuốc thế hệ mới: Dung nạp tốt, hạn chế tác dụng phụ
Nghiên cứu đa trung tâm trên 520 bệnh nhân cho thấy Valproate duy trì hiệu quả vượt trội so với Levetiracetam trong kiểm soát cơn toàn thể, với tỷ lệ thất bại điều trị thấp hơn (26% vs. 38%) và tỷ lệ không cơn sau 12 tháng cao hơn (74% vs. 62%). Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ do nguy cơ dị tật thai nhi.
Nghiên cứu FREEDOM ghi nhận 74% bệnh nhân không cơn ở liều 4-8 mg/ngày. Lacosamide và Eslicarbazepine được đánh giá cao nhờ cơ chế tác dụng mới, ít ảnh hưởng đến nhận thức, phù hợp với người cao tuổi và bệnh nhân có bệnh nền.
Cá thể hóa điều trị là yếu tố then chốt
Phụ nữ mang thai: Lamotrigine và Levetiracetam là lựa chọn an toàn, trong khi Valproate cần tránh do nguy cơ quái thai. Theo dõi nồng độ thuốc và điều chỉnh liều là bắt buộc.
Người cao tuổi: Ưu tiên thuốc ít tác dụng phụ như Lamotrigine, Levetiracetam, tránh Phenytoin và Carbamazepine do nguy cơ loãng xương, té ngã.
Bệnh đồng mắc: Lựa chọn thuốc dựa trên bệnh lý kèm theo (ví dụ: Topiramate cho bệnh nhân béo phì, Zonisamide tránh dùng ở người có tiền sử sỏi thận).
Từ góc độ bác sĩ lâm sàng, các bác sĩ cho biết: Đơn trị liệu vẫn là nguyên tắc vàng, giúp giảm tương tác thuốc và tác dụng phụ. Chỉ chuyển sang đa trị khi thất bại với 2-3 thuốc đơn trị. Cập nhật hướng dẫn NICE 2022: Lamotrigine/Levetiracetam là lựa chọn đầu tay cho động kinh cục bộ; Valproate duy trì vị trí số 1 cho động kinh toàn thể nhưng cần cân nhắc rủi ro. Theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ: Phản ứng da (Hội chứng Stevens-Johnson với Carbamazepine), rối loạn tâm thần (Levetiracetam), và tương tác thuốc (enzyme gan với Phenobarbital).
Hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng của việc kết hợp chẩn đoán chính xác, cá thể hóa điều trị và ứng dụng các thuốc thế hệ mới. PGS.TS. Võ Hồng Khôi nhấn mạnh: Động kinh là bệnh mãn tính nhưng có thể kiểm soát. Chúng ta cần cá thể hóa điều trị dựa trên loại cơn, tuổi tác, bệnh nền và hoàn cảnh xã hội. Sự hợp tác giữa bác sĩ, bệnh nhân và gia đình là yếu tố quyết định thành công. Động kinh không phải là dấu chấm hết. Với công nghệ và nghiên cứu hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát cơn động kinh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.