Trước những diễn biến phức tạp của tổn thương thận cấp - bệnh lý có tỷ lệ tử vong lên đến 50% nếu không điều trị kịp thời, phóng viên Cổng thông tin điện tử Bệnh viện Bạch Mai đã có cuộc trao đổi với BSNT. Trần Tuyết Trinh, Trung tâm Thận tiết niệu & Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai để làm rõ về vấn đề này.
Hiểu đúng về tổn thương thận cấp
Theo bác sĩ Trần Tuyết Trinh, tổn thương thận cấp (AKI) là tình trạng suy giảm chức năng thận đột ngột chỉ trong vài giờ đến vài ngày. Bệnh khiến cơ thể không thể đào thải chất độc, gây rối loạn điện giải, ứ đọng ure máu và nhiều sản phẩm chuyển hóa khác, dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong. "Triệu chứng điển hình nhất là thiểu niệu hoặc vô niệu, kèm theo phù tay chân, mệt mỏi, buồn nôn. Nhiều trường hợp đau quặn thắt lưng do sỏi hoặc tắc nghẽn đường tiểu", bác sĩ Trinh nhấn mạnh.
Nguyên nhân đa dạng, chẩn đoán không dễ
Bác sĩ Trinh cho biết, AKI có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân, chia thành ba nhóm chính: Trước thận, tại thận và sau thận. Trong đó, nguyên nhân trước thận thường gặp là sốc (do mất máu, nhiễm khuẩn, suy tim), mất nước hoặc giảm thể tích tuần hoàn ở bệnh nhân xơ gan, hội chứng thận hư. Trong khi đó, tổn thương tại thận lại liên quan đến bệnh lý cầu thận, tổn thương ống thận do thuốc (thuốc đông - tây y không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kháng sinh nhóm aminoglycosid, thuốc cản quang). Nhóm nguyên nhân sau thận thường do tắc nghẽn đường tiểu bởi sỏi niệu quản, khối u bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt…
Cơ hội hồi phục phụ thuộc vào thời điểm can thiệp
Khi được hỏi về tiên lượng của bệnh, bác sĩ Trần Tuyết Trinh khẳng định: "Nếu phát hiện sớm và xử trí đúng nguyên nhân, chức năng thận có thể phục hồi hoàn toàn". Ví dụ, bệnh nhân sốc mất máu được truyền dịch kịp thời, người bị tắc niệu quản do sỏi được can thiệp lấy sỏi sớm... Tuy nhiên, bác sĩ cũng cảnh báo: Nếu AKI kéo dài dẫn đến hoại tử ống thận, tổn thương cầu thận không hồi phục, nguy cơ trở thành suy thận mạn là rất cao. Suy thận mạn tiến triển dần theo thời gian, khi bước vào giai đoạn cuối sẽ cần đến các biện pháp điều trị thay thế thận suy như lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận.
Lời khuyên từ chuyên gia
Để phòng ngừa và phát hiện sớm AKI, bác sĩ Trần Tuyết Trinh khuyến cáo người dân không nên tự ý dùng thuốc đông - tây y không rõ nguồn gốc, thuốc không được kê đơn theo hướng dẫn của bác sỹ (giảm đau, kháng sinh...). Những người có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim cần tái khám định kỳ và tuân thủ điều trị. "Khi thấy lượng nước tiểu giảm, phù mặt/chân không rõ nguyên nhân, hoặc mệt mỏi kéo dài, hãy đến ngay cơ sở y tế. Đừng chủ quan vì mỗi phút chậm trễ đều ảnh hưởng đến tính mạng", bác sĩ Trinh nhấn mạnh.
"Phát hiện sớm, điều trị đúng là chìa khóa giúp thận hồi phục. Đừng để cơ hội vuột mất chỉ vì chậm trễ!" là lời nhắn nhủ mà bác sĩ Trần Tuyết Trinh gửi gắm đến bạn đọc của Cổng thông tin Điện tử Bệnh viện Bạch Mai.
Địa chỉ tin cậy cho người bệnh thận
Với trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, Trung tâm Thận tiết niệu & Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai là địa chỉ uy tín trong chẩn đoán và điều trị tổn thương thận cấp. Trường hợp bệnh nhân mắc phải vấn đề trên có thể đến Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai để được các bác sĩ giàu kinh nghiệm thăm khám và tư vấn điều trị.
----------------------------------
HƯỚNG DẪN ĐẶT LỊCH KHÁM THEO YÊU CẦU NHÀ K1
Cách 1: Gọi số Hotline Tổng đài bệnh viện: 1900.888.866
Cách 2: Gọi hoặc nhắn tin đăng ký vào số Zalo: 0965.795.470
Cách 3: Nhắn tin vào fanpage Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu.
Cách 4: Theo hướng dẫn đường link: https://dkkham.bachmai.gov.vn