Trong căn phòng khám ngoại trú chuyên khoa Tim mạch, có một người phụ nữ nhỏ nhắn với chiếc áo blouse trắng đã trở thành hình ảnh thân thuộc của hàng nghìn bệnh nhân. Họ gọi chị bằng cái tên trìu mến: “Bác sĩ Mai Ngọc - người chữa lành những trái tim”.
31 năm gắn bó với nghề, TS. Nguyễn Thị Mai Ngọc vẫn giữ nguyên vẹn nụ cười hiền hậu, cử chỉ ân cần và tâm nguyện “mỗi ngày đến viện là một ngày được sống trọn với niềm hạnh phúc”.
Hành trình từ trái tim đến trái tim
Tốt nghiệp Bác sĩ Nội trú Trường Đại học Y Hà Nội năm 1998, bác sĩ Mai Ngọc được giữ lại công tác tại Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai. Những năm tháng gắn bó với nghề, chị cũng như nhiều đồng nghiệp khác không ngừng cống hiến và góp sức vào sứ mệnh “tô thắm”, làm rạng danh cho nền y học nước nhà. Bác sĩ Mai Ngọc cùng các đồng nghiệp đi trước tích cực triển khai mạng lưới phòng thấp tim cấp 2, góp phần đẩy lùi căn bệnh từng là nỗi ám ảnh của trẻ em. Đến nay, thấp tim đã không còn là mối đe dọa hàng đầu nhờ những nỗ lực ấy.
Bác sĩ Mai Ngọc luôn tích cực tham gia các hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện cho bà con tại các vùng sâu vùng xa do Bệnh viện tổ chức
Không dừng lại ở đó, năm 1999, chị là thành viên nòng cốt trong ê-kip thực hiện ca phẫu thuật tim hở đầu tiên tại Bạch Mai. Từ một ca mổ/tuần, đến nay kỹ thuật này đã thực hiện thường quy 3-4 ca/ngày tại Viện Tim mạch, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt, bác sĩ Ngọc cũng là một trong những thành viên chính trong kíp can thiệp tim bẩm sinh đầu tiên - kỹ thuật ít xâm lấn giúp trẻ sơ sinh tránh được phẫu thuật tim mở.
Người truyền lửa cho các thế hệ bác sĩ trẻ
Với vai trò của một nhà giáo, TS. Mai Ngọc dành trọn tâm huyết đào tạo thế hệ bác sĩ trẻ. Chị là giảng viên thỉnh giảng Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội, trực tiếp hướng dẫn các thế hệ sinh viên, bác sĩ nội trú và cao học. Những công trình nghiên cứu về đột biến gen CYP2C19, COX-1 hay tăng cholesterol máu gia đình, tim bẩm sinh, tăng áp động mạch phổi nặng, suy tim,… của nhóm nghiên cứu Viện tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai mà chị luôn giữ vai trò thành viên nghiên cứu nòng cốt - không chỉ được đăng trên tạp chí quốc tế mà còn trở thành cẩm nang ứng dụng thực tiễn, giúp cho nhiều bệnh nhân tránh được biến cố tim mạch.
Khi được hỏi về vai trò trong Dự án FIRST hợp tác với Mỹ - Dự án giúp ê-kip phẫu thuật tim cho bệnh nhân nhi Việt Nam tự chủ kỹ thuật, chị khiêm tốn: “Tôi chỉ là người kết nối những tâm huyết. Thành công thuộc về tập thể”. Đồng nghiệp kể lại: Trong các chuyến công tác, dù bận rộn, chị vẫn dành thời gian ghi chép tỉ mỉ từng chỉ dẫn xây dựng và triển khai Dự án từ các giáo sư, chuyên gia có kinh nghiệm tại Mỹ để về hướng dẫn lại cho cả nhóm cùng thực hiện.
Bác sĩ Mai Ngọc vinh dự được nhận thưởng Huân chương lao động hạng ba nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2
Triết lý sống: “Chuyên tâm là cao quý”
Giữa sự bận rộn với công việc hàng ngày, TS. Mai Ngọc vẫn dành thời gian tham gia các đoàn khám bệnh từ thiện. Hình ảnh chị lặn lội đến Mường Lát, Điện Biên hay Lý Sơn - Nơi những đứa trẻ tim bẩm sinh chưa từng biết đến bệnh viện - đã trở thành động lực cho nhiều đồng nghiệp. “Có những em bé được phát hiện bệnh và xử lý kịp thời nhờ những chuyến đi ấy. Đó là điều ý nghĩa nhất với tôi”, Bác sĩ Mai Ngọc tâm sự.
Trong căn phòng làm việc giản dị, TS. Mai Ngọc chia sẻ triết lý sống mộc mạc: “Nghề nào cũng cao quý nếu ta chuyên tâm. Khi thấy bệnh nhân khỏe mạnh trở về, tôi hiểu mình đã góp phần nhỏ vào vòng tuần hoàn hạnh phúc của xã hội”. Chị thường nhắc lại câu nói đã theo mình suốt hành trình: “Hãy yêu say đắm công việc, không phàn nàn. Đó là chìa khóa của thành công”.
Vinh dự và hạnh phúc từ những điều giản dị
Ngày 24/2/2025, khi nhận Huân chương Lao động hạng Ba từ Thủ tướng Phạm Minh Chính, TS. Mai Ngọc xúc động: “Phần thưởng này không chỉ dành riêng cho tôi, mà còn là ghi nhận sự nỗ lực thay cho tất cả những người thầy thuốc luôn hết mình tận tâm vì người bệnh”. Với chị phần thưởng lớn nhất chính là sự tin tưởng và niềm tin yêu họ dành tặng.
Mỗi sáng đến Bệnh viện, khi thấy nụ cười hay ánh mắt rạng rỡ của những người bệnh hồi phục, vẻ mặt hạnh phúc, đoàn tụ của gia đình, người thân bên họ - đó là lúc TS. Mai Ngọc thấy mình nhẹ nhõm, tràn đầy niềm vui, ấm áp. “Tôi may mắn được theo đuổi nghề mình yêu. Niềm vui của người bệnh chính là động lực lớn nhất khiến tôi tiếp tục cố gắng” - Người phụ nữ ấy nói vậy, đôi mắt đen láy lấp lánh ánh lên niềm hạnh phúc giản dị mà sâu sắc.