Bệnh Parkinson: Việc chẩn đoán bệnh sớm là rất cần thiết

Ngày đăng: 25/12/2020 21:54

Bệnh Parkinson: Việc chẩn đoán bệnh sớm là rất cần thiết

Ngọc Khanh và cộng sự

 

Bệnh Parkinson là một trong những bệnh về thần kinh, thường xảy ra khi nhóm tế bào trong não bị thoái hóa, không thể kiểm soát được vận động của cơ bắp, khiến cho con người đi lại khó khăn, cử động chân chạp, chân tay bị run cứng. Không phải là một bệnh nguy hiểm chết người, song bệnh Parkinson gây trở ngại cho sinh hoạt và công việc hằng ngày của người bệnh.

Hình ảnh người bệnh bị Parkinson

TS. BS. Võ Hồng Khôi - Trưởng Khoa Thần Kinh Bệnh Viện Bạch Mai - khẳng định, rất cần thiết phải chẩn đoán sớm bệnh parkinson. Đối với các trường hợp điển hình và đã qua vài năm tiến triển thì việc chẩn đoán bệnh này không khó, song trong giai đoạn sớm thì rất dễ nhầm với một số bệnh khác, nhất là các trường hợp triệu chứng run không nổi bật. Theo TS. Võ Hồng Khôi cho biết, để chẩn đoán đúng bệnh parkinson, cần phân biệt rõ: Hội chứng Parkinson – Bệnh Parkinson và Hội chứng Parkinson-plus. Theo đó, bệnh parkinson  là bệnh lý thoái hóa của hệ thần kinh trung ương (TKTW), liên quan đến tuổi già và tiến triển chậm chạp với đặc điểm về lâm sàng là: Run, giảm động, cứng, và rối loạn phản xạ tư thế; cùng với những đặc điểm ngoài vận động như: Rối loạn tâm thần, rối loạn giấc ngủ, rối loạn thần kinh tự động (autonomic).

Đặc điểm về bệnh học cổ điển là do mất tế bào dopaminergic của đường liềm đen- thể vân. Bệnh lần đầu tiên được James Parkinson mô tả năm 1917, dưới 1 bệnh là liệt rung. Bệnh thường có tính chất lẻ tẻ do nhiều yếu tố gây nên. Có thể do sự tương tác phức hợp giữa  gen, môi trường, và yếu tố cá nhân khác (tuổi già, nam giới, ) gây nên tổn thương liềm đen (di truyền, độc chất, nhiễm khuẩn..)

TS. Võ Hồng Khôi liệt kê các nguyên nhân chính gây chết tế bào tiết dopamin trong bệnh parkinson là: Giải phóng chất oxy hóa và các sản phẩm giáng hóa; gây rối loạn ty lạp thể (gen đóng vai trò quan trọng; kích thích gây ngộ độc; tăng lượng calci tự do trong tế bào; lắng đông protein ứng viêm và phản ứng viêm.

Những triệu chứng cơ bản của bệnh Parkinson là: run, cứng đờ, cử động chậm chạp và rối loạn thăng bằng. Run là triệu chứng rất hay gặp ở người bị bệnh parkindon, run có thể cả ở tay lẫn chân. Thường run sẽ rõ hơn khi nghỉ ngơi. Ví dụ: Khi bệnh nhân để 2 tay nghỉ trên đùi của mình, và nói sang chuyện khác một lúc thì run các ngón tay sẽ rõ hơn và nhiều hơn. Khi bệnh nhân giơ tay cầm nắm một vật gì đó thì run lại giảm đi. Vì vậy, người ta nói run của bệnh Parkinson là run khi nghỉ. Nó trái ngược với chứng run vô căn hoặc run do bệnh tiểu não. Tuy vậy vẫn có gần 15% người bệnh Parkinson trong suốt quá trình điệu trị bệnh của mình không bao giờ có biểu hiện run.

Về biểu hiện cứng đờ các cơ bắp, bệnh nhân parkinson có biểu hiện khó quay cổ, xoay người, đang ngồi trên ghế đứng dậy, trở mình khi nằm trên giường. Khó làm những cử động khéo léo của các ngón tay. Nét mặt đờ đẫn, ít biểu lộ cảm xúc như người bình thường. Dáng người đi hơi còng xuống.

Một biểu hiện quan trọng nữa là chậm vận động. Theo đó, bệnh nhân rất khó khởi động các cử động của mình, mọi việc đều làm rất chậm chạp ví dụ như: cài, mở khuy áo, xỏ giầy dép, cắt gọt trái cây. Chữ viết nhỏ dần và viết chậm. Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn giữ thăng bằng, đó là việc ngồi vào ghế khó khăn, đứng dậy khỏi ghế khó khăn, xoay trở dễ bị té, khi đi dễ bị té ngã.

Ngoài ra còn một số triệu chứng khác như: Giọng nói nhỏ và khó nghe, ít biểu lộ cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lo âu, đau, mệt mỏi. Về sau có khó nuốt và rối loạn trí nhớ….

Bệnh parkinson mặc dù không là bệnh nguy hiểm chết người, song là bệnh khó chữa, cần kiên trì điều trị trong thời gian dài. Do đó, để điều trị bệnh, cần phải lựa chọn một cơ sở y tế chuyên sâu, có thế mạnh về bệnh lý thần kinh để được điều trị tốt nhất.

Bệnh viện Bạch Mai là một trong những cơ sở khám chữa bệnh hàng đầu về nội khoa thần kinh, trong đó có bệnh parkinson. Hiện tại, bệnh viện đang triển khai hội chẩn, tư vấn và khám chữa bệnh từ xa. Người bệnh có thể đăng ký khám để tiết kiệm thời gian và thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Hình ảnh bệnh học của bệnh

 

Các tin khác